Làm thế nào để xét nghiệm ADN bằng mẫu xương chính xác nhất?
Ngày đăng: 08/07/2024, 10:40
Xét nghiệm ADN là một công cụ quan trọng trong nhiều lĩnh vực, từ pháp y, nhận dạng cho đến y học. Trong trường hợp sử dụng mẫu xương để tiến hành xét nghiệm ADN, cần tuân thủ các quy trình và biện pháp kỹ thuật cụ thể để đảm bảo kết quả chính xác. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về cách thực hiện xét nghiệm ADN từ mẫu xương, giúp giải đáp những băn khoăn mà nhiều người đang quan tâm.
1. Tính khả thi của việc thực hiện xét nghiệm ADN bằng mẫu xương
Xét nghiệm ADN bằng mẫu xương là một phương pháp có thể thực hiện được, đặc biệt hữu ích trong việc giám định ADN từ hài cốt. Tuy nhiên, quá trình này gặp nhiều khó khăn và chi phí khá cao, khiến việc sử dụng mẫu xương, răng để xét nghiệm ADN trở nên không phổ biến trong các trường hợp thông thường.
2. Những thách thức trong xét nghiệm ADN từ mẫu xương
Mặc dù có thể mang lại kết quả với độ chính xác cao, xét nghiệm ADN từ mẫu xương gặp rất nhiều khó khăn và phức tạp trong quá trình thực hiện. Dưới đây là một số khó khăn thường gặp khi xét nghiệm ADN từ mẫu xương.
2.1. Mẫu xương bị phơi nhiễm lâu ngoài môi trường
Khó khăn lớn nhất là thời gian mẫu xương tồn tại ngoài môi trường quá lâu. Thông thường, các mẫu xương dùng để xét nghiệm ADN đã được chôn cất hàng chục năm, khiến ADN trong xương bị phân hủy nhiều. Chất lượng và số lượng ADN trong các mẫu hài cốt giảm dần theo thời gian và bị ảnh hưởng bởi vi sinh vật cũng như các chất ức chế khác.
Ở những quốc gia có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, điều kiện thời tiết khắc nghiệt cùng với các yếu tố lịch sử như chiến tranh làm cho việc chôn cất hài cốt không được bảo đảm, dẫn đến sự phân hủy hài cốt diễn ra nhanh chóng và làm giảm chất lượng mẫu xương.
2.2. Xử lý mẫu xương phức tạp
Do mẫu xương bị phân hủy theo thời gian và các tác nhân môi trường, việc xử lý mẫu trước khi xét nghiệm là cần thiết. Công việc xử lý và làm sạch mẫu xương có thể kéo dài hàng tuần, bao gồm các bước làm sạch bề mặt, cắt nhỏ, đánh máy cao răng, ngâm hóa chất và nghiền nhỏ.
Quá trình này còn bị ảnh hưởng bởi các tác nhân mạnh như nhiệt độ cao và áp lực tẩy rửa, mặc dù chúng có thể giải phóng nhiều ADN hơn nhưng cũng gây tổn thương cho các phân tử ADN, ảnh hưởng đến quá trình xét nghiệm. Đặc biệt, trong trường hợp hài cốt bị hỏa táng thành tro hoặc than đen, các tế bào bị phá hủy hoàn toàn thì việc thực hiện xét nghiệm ADN là không thể.
2.3. Phương pháp tách chiết ADN phức tạp
Tách chiết ADN từ mẫu xương là một thử thách lớn, đòi hỏi quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng để đáp ứng chất lượng mẫu xương không tốt. Trong nhiều trường hợp, mẫu xương cần được phân tích và xét nghiệm lặp lại nhiều lần vì kết quả không rõ ràng và thiếu căn cứ để kết luận.
Các phương pháp tách chiết ADN như tách chiết tự động trên hệ thống EZ1, tách chiết vô cơ, tách chiết hữu cơ đã được chứng minh là phù hợp với mẫu hài cốt ở Việt Nam. Tuy nhiên, các phương pháp mới như tách chiết mẫu cổ cần liên tục được thử nghiệm, để tăng cường hiệu quả tách chiết từ các mẫu hài cốt với chất lượng khác nhau.
3. Làm sao để xét nghiệm ADN từ mẫu xương hiệu quả?
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực, răng là mẫu phẩm có chất lượng tốt nhất để xét nghiệm ADN vì răng có khả năng tồn tại lâu dài, ít bị phân hủy sau khi chôn cất. Thực tế cho thấy, những mẫu hài cốt được chôn cất cách đây khoảng 70 năm vẫn có thể dùng mẫu răng để giám định ADN.
ADN trong mẫu xương bị phân hủy theo thời gian, vậy nên lời khuyên dành cho thân nhân các liệt sĩ là hãy tiến hành xét nghiệm ADN từ mẫu xương sớm nhất có thể, để gia đình mau chóng được đoàn tụ.
Những thông tin chia sẻ trên đây hy vọng đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tính khả thi, những khó khăn và cách thức để làm xét nghiệm ADN từ mẫu xương sao cho hiệu quả nhất. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngần ngại liên hệ với Viện Sinh học Phân tử LOCI để được giải đáp kịp thời!
Khắc Sử