Cần làm gì khi nghi ngờ kết quả xét nghiệm ADN bị nhầm lẫn?
Ngày đăng: 22/10/2024, 09:40
Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển, xét nghiệm ADN hiện có độ chính xác rất cao, lên tới 99,999999%. Tuy nhiên, quá trình này vẫn có khả năng xảy ra nhầm lẫn do nhiều yếu tố, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về danh dự và mối quan hệ gia đình. Khi nghi ngờ kết quả, bạn cần bình tĩnh và có thể áp dụng theo một số khuyến nghị dưới đây.
1. Những nguyên nhân khiến kết quả ADN bị sai lệch
Kết quả xét nghiệm ADN có thể bị sai lệch bởi nhiều yếu tố khác nhau như việc nhầm lẫn mẫu xét nghiệm, sự cố trong quy trình xử lý hoặc các lỗi trong khâu trả kết quả.
1.1. Cố ý tráo mẫu hoặc thu nhầm mẫu ADN
Một trong những tình huống thường gặp là việc cố ý tráo đổi mẫu xét nghiệm ADN hoặc thu nhầm mẫu của người khác. Tình huống này thường xảy ra trong các xét nghiệm ADN tự nguyện, khi khách hàng tự thu thập mẫu và gửi tới trung tâm xét nghiệm.
Việc nhầm mẫu có thể do khách hàng chủ quan hoặc cố ý tráo đổi với mẫu của người khác. Ngoài ra, có những trường hợp khách hàng kết hợp với nhân viên tại phòng xét nghiệm, để thực hiện việc tráo mẫu.
1.2. Mẫu xét nghiệm bị lẫn lộn giữa các người làm xét nghiệm
Việc mẫu ADN của người làm xét nghiệm bị trộn lẫn với mẫu của người khác, là một trong những nguyên nhân phổ biến gây sai lệch kết quả. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình thu mẫu không cẩn thận, dẫn đến việc lẫn lộn. Khi mẫu bị trộn lẫn, kết quả xét nghiệm ADN sẽ không còn chính xác và gây ra những nhầm lẫn đáng tiếc.
1.3. Sai sót trong quy trình xét nghiệm tại phòng thí nghiệm
Các lỗi trong quá trình xử lý mẫu và thực hiện xét nghiệm ADN cũng là một nguyên nhân gây nhầm lẫn kết quả. Tại các phòng thí nghiệm lớn, quy trình xử lý mẫu được giám sát chặt chẽ và có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, giúp hạn chế tối đa những sai sót này. Tuy nhiên, ở những đơn vị nhỏ lẻ, việc sai sót có thể xảy ra khi chuẩn bị mẫu xét nghiệm ADN.
1.4. Không rà soát lại kết quả xét nghiệm ADN
Dù sử dụng hệ thống máy móc hiện đại, các phòng thí nghiệm vẫn có thể gặp phải nhầm lẫn. Nếu không có bước kiểm tra lại kết quả sau khi nhận từ máy, khả năng xảy ra lỗi sai sót vẫn hiện hữu.
2. Nghi ngờ kết quả xét nghiệm ADN bị sai lệch cần làm gì?
Trong trường hợp cảm thấy kết quả xét nghiệm ADN có sai sót, việc kiểm tra lại quá trình thu mẫu, yêu cầu giải thích từ nhân viên phòng xét nghiệm, thực hiện xét nghiệm lại là những giải pháp cần thiết để đối chứng.
2.1. Kiểm tra lại quá trình thu mẫu xét nghiệm (áp dụng với xét nghiệm ADN tự nguyện)
Khi khách hàng tự thu thập mẫu và gửi đi xét nghiệm, nếu có nghi ngờ về kết quả cần kiểm tra kỹ lưỡng lại quá trình thu mẫu. Những sai sót thường gặp trong quá trình này bao gồm:
- Thu nhầm mẫu từ người khác.
- Lẫn lộn các gói mẫu của những người làm xét nghiệm.
- Tráo đổi mẫu đã thu thành mẫu của người khác.
Việc rà soát lại quá trình thu mẫu sẽ giúp khách hàng phát hiện sớm những sai lầm nếu có, từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời.
2.2. Kiểm tra kết quả ADN và yêu cầu giải thích từ nhân viên xét nghiệm
Khi nhận kết quả và nghi ngờ có sai sót, khách hàng nên yêu cầu xem bản peak của xét nghiệm ADN. Đây là dữ liệu gốc in ra từ máy móc phòng thí nghiệm. Nhân viên xét nghiệm sẽ phải giải thích cụ thể về bản peak, các locus gen của người tham gia xét nghiệm và lý do tại sao kết luận được đưa ra dựa trên các dữ liệu này.
Việc yêu cầu giải thích bản peak giúp khách hàng hiểu rõ hơn về kết quả xét nghiệm, dễ dàng phát hiện các lỗi sai nếu có trong quá trình phân tích.
2.3. Thực hiện lại việc xét nghiệm ADN để đối chiếu, so sánh
Nếu còn nghi ngờ về kết quả, khách hàng nên tiến hành xét nghiệm ADN lại để đối chiếu và so sánh kết quả. Để đảm bảo độ chính xác, khách hàng nên thực hiện xét nghiệm công khai, tức là thu mẫu tại đơn vị xét nghiệm hoặc mời chuyên viên xét nghiệm đến tận nơi để thu mẫu. Việc này giúp đảm bảo mẫu được thu từ đúng người cần xét nghiệm, tránh các sai sót và nhầm lẫn.
Đối với những khách hàng muốn giữ bí mật về thông tin xét nghiệm, việc thu mẫu cũng cần được thực hiện cẩn thận, đóng gói riêng biệt để tránh lẫn lộn.
Như vậy, xét nghiệm ADN có thể xảy ra nhầm lẫn do nhiều nguyên nhân, từ việc thu sai mẫu đến các sai sót trong quy trình xét nghiệm hoặc trả kết quả. Những sai lệch này có thể gây ra hậu quả lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và mối quan hệ gia đình. Vì vậy, khi cảm thấy nghi ngờ về kết quả xét nghiệm ADN, khách hàng cần kiểm tra kỹ lưỡng và lựa chọn phương án xử lý phù hợp, nhằm đảm bảo tính chính xác của kết quả.
Khắc Sử