Cách vệ sinh khăn tắm phòng bệnh ngoài da hiệu quả

Sau một thời gian sử dụng, khăn tắm sẽ tích tụ các tế bào chết từ da người trong khi lau chùi, nếu không được vệ sinh đúng cách, sạch sẽ thì có thể gây ra một số loại bệnh ngoài da, khăn trở nên khô cứng và xuất hiện các vết ố, vàng trông rất mất vệ sinh, không đảm bảo được độ an toàn và sự thoải mái trong quá trình sử dụng.

Nếu bạn chưa biết cách vệ sinh khăn tắm như thế nào cho đúng cách và hiệu quả, hãy tham khảo ngay những chia sẻ kinh nghiệm cực kỳ đơn giản trong bài viết sau đây.

1. Nên giặt khăn tắm bằng nước nóng pha xà phòng là tốt nhất

Để thực hiện, hãy đun sôi một lượng nước vừa đủ, thích hợp cho lượng khăn cần giặt, sau đó cho một lượng xà phòng vừa đủ vào nước sôi và khuấy đều cho bột giặt tan hoàn toàn.

Bước tiếp theo, bạn hãy cho khăn tắm vào trong hỗn hợp nước nóng xà phòng vừa pha được, rồi ngâm như vậy cho tới khi nước nguội bớt thì bắt đầu giặt. Có thể giặt bằng tay hoặc giặt bằng máy đều được. Lưu ý là khâu xả bọt phải làm thật kỹ để loại bỏ hết bọt xà phòng còn lưu lại trên khăn. Nếu xả không sạch thì có thể sẽ làm cho khăn khô cứng hơn, hoặc gây ra dị ứng khó chịu cho làn da, từ đó phát sinh các bệnh về da cho những người có làn da nhạy cảm hoặc đối với trẻ em.

Lưu ý là bạn không nên cho lượng xà phòng quá nhiều so với lượng khăn cần giặt nhé. Vì như vậy không chỉ gây lãng phí, mà còn làm cho sợi vải trên khăn bị mòn, thô ráp hơn và việc xả sạch bọt cũng sẽ mất rất nhiều thời gian. Tốt hơn hết nên dựa trên số lượng khăn cần giặt và tình trạng các vết bẩn, vết ố trên khăn để định lượng bột giặt sao cho phù hợp.

 

 

 

 

2. Xả khăn tắm với nước xả làm mềm vải và nước nóng

Khăn sau khi đã giặt với xà phòng và xả hết bọt, hãy tiếp tục ngâm trong nước nóng hòa tan nước xả vải. Cần nhớ là phải sử dụng nước nóng thì mới giúp làm mềm khăn và diệt vi khuẩn còn sót lại một cách hiệu quả.

Tương tự như bột giặt, nước xả vải cũng chỉ nên sử dụng với một lượng vừa đủ, không quá ít sẽ không mang lại hiệu quả cao, nhưng cũng không quá nhiều vì sẽ làm cho các sợi khăn quá mềm, trơn trượt, từ đó hạn chế đi khả năng hút ẩm của khăn trong quá trình sử dụng về sau.

Sau khi đã ngâm và xả với nước xả vải, nếu có điều kiện thì bạn nên mang khăn tắm ra ngoài chỗ thoáng mát để phơi khô một cách tự nhiên. Lưu ý là không phơi khăn trực tiếp dưới trời quá nắng gắt, vì như vậy sẽ làm tổn thương các sợi vải, khăn sẽ rất cứng và còn bị phai màu.

Trường hợp trời không nắng ráo, bạn có thể mang khăn đi sấy, nhưng nên tránh sử dụng máy sấy ở chế độ quá khô, nhiệt độ quá cao vì sai lầm này cũng sẽ khiến cho khăn trở nên thô ráp hơn và bị phai màu.

Khi sấy khăn, bạn nên cho khăn vào máy sấy cùng với một quả bóng tennis, lúc này, nhờ sự chuyển động của quả bóng mà các sợi khăn sẽ được đánh bông, nhanh khô hơn và mềm mại hơn.

3. Giặt khăn tắm bằng giấm ăn cũng rất hiệu quả

Giấm không chỉ là một loại gia vị cần thiết trong mỗi căn bếp, giúp chị em nội trợ chế biến các món ăn đậm mùi vị hơn, mà còn là một trợ thủ đắc lực giúp chị em vệ sinh, làm mềm khăn tắm rất hữu hiệu đấy nhé!

Để thực hiện, bạn chỉ cần hòa giấm ăn với nước theo tỉ lệ 1:3, sau đó bắc lên bếp đun cho sôi rồi cho khăn tắm vào đó để ngâm. Khi nước nguội bớt, đã có thể cho tay vào thì chúng ta sẽ mang ra ngoài để vò, chà cho sạch các vết bẩn, ố. Tiếp đến, hãy giặt sơ qua với xà bông rồi xả lại thật sạch bọt, tiếp đến ngâm với nước xả vải để đánh bay mùi chua của giấm và làm mềm vải. Bước cuối cùng, chỉ cần mang khăn ra nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp để phơi. Hoặc bạn cũng có thể sấy khô bằng máy sấy.

ĐT