Cách chăm sóc lan Hồ điệp trong chậu

Cùng với lan Cattleya, lan Hồ điệp cũng là một trong những giống lan được yêu thích bởi vẻ đẹp ấn tượng, lôi cuốn và rất lâu tàn. Tuy nhiên, để sở hữu một chậu lan Hồ điệp đẹp như ý đòi hỏi bạn phải tuân thủ các điều kiện và kỹ thuật chăm sóc cơ bản dưới đây.


1. Tưới nước và độ ẩm cho hoa lan Hồ điệp


Lan Hồ điệp được đánh giá là “khó tính” trong việc yêu cầu chế độ tưới. Bởi đặc tính sinh học của lan Hồ điệp là cây đơn thân, diện tích bốc hơi của bản lá lớn nên cần cung cấp nước đầy đủ, tránh tình trạng cây mất nước. Theo đó, vào mùa hè, bạn nên tưới cho cây 5 - 7 ngày/lần, vào mùa đông thì giảm xuống còn 10 - 12 ngày/lần.


Một lưu ý nữa là chỉ nên tưới nước cho lan Hồ điệp vào buổi sáng, không tưới vào buổi chiều. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào từng loại giá thể mà cung cấp lượng nước tưới phù hợp, không thừa không thiếu. Đối với lan Hồ điệp, người ta thường sử dụng các giá thể như đá trân châu, vỏ cây dương xỉ, than củi. Những giá thể này có khả năng giữ ẩm tốt nên bạn chỉ cần tưới lượng nước vừa đủ là được, tránh làm giá thể quá ẩm khiến rễ dễ bị hư thối.

Về độ ẩm, người ta thường duy trì độ ẩm 50 - 80% cho lan Hồ điệp bằng cách bổ sung thêm đá cuội hoặc đá sỏi vào chậu trồng. Trong môi trường độ ẩm thấp hơn thì dùng màn che để hạn chế sự thoát hơi nước của cây. Còn trong điều kiện độ ẩm cao hơn thì di chuyển chậu trồng đến vị trí khác và giảm số lần tưới.


2. Ánh sáng và vị trí trưng hoa lan Hồ điệp


Ngoài độ ẩm, sự tưới nước thì ánh sáng cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của lan Hồ điệp trong chậu. Tùy thuộc vào giai đoạn sinh trưởng của cây mà bạn cung cấp ánh sáng cho phù hợp. Chẳng hạn, đối với những cây lan Hồ điệp con, mới trồng thì nên hạn chế ánh sáng bằng cách làm lưới che 2 lớp để tránh ánh sáng mạnh có thể làm cây héo lá, giảm sức sống và khó ra hoa. Ngược lại, nếu cây đã sinh trưởng tốt thì có thể bỏ bớt 1 lớp lưới che để cung cấp đủ ánh sáng cho cây quang hợp.


Tuy cần ánh sáng nhưng lan Hồ điệp không yêu cầu ánh sáng mạnh và trực tiếp. Vì thế, vị trí tốt nhất để đặt chậu lan Hồ điệp là trong nhà, ở nơi thoáng mát, gần vị trí cửa sổ. Nếu đặt chậu lan Hồ điệp ngoài hành lang hay ban công, bạn cần lưu ý không để ánh sáng chiếu vào trực tiếp và đảm bảo nhiệt độ trong khoảng 20 - 30 độ C, không được cao hơn vì sẽ khiến cây dễ bị héo úa, mất sức sống.

3. Bổ sung chất dinh dưỡng để lan Hồ điệp ra hoa


Chất dinh dưỡng là một trong những yếu tố quyết định khả năng ra hoa của lan Hồ điệp. Hay nói cách khác, lan Hồ điệp có cho hoa đẹp và lâu tàn hay không phụ thuộc rất lớn vào việc cung cấp dưỡng chất. Dưới đây là những lưu ý quan trọng khi bón phân cho lan Hồ điệp:


- Mùa hè, bón phân thường xuyên, khoảng 2 - 3 tuần/lần bởi lúc này cây đang trong giai đoạn tăng trưởng. Ngược lại, vào mùa đông, nên giảm tần suất bón bởi lúc này nhu cầu dinh dưỡng của cây không cao. Sử dụng phân bón NPK 14 – 14 – 14 theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Đến thời kỳ cây đang ra hoa, bạn thay thế bằng phân có hàm lượng photpho cao như phân 10 – 30 – 20. Trước và sau mỗi lần bón, chủ động tưới nước để gia tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất trong phân bón.


Trên đây là kỹ thuật chăm sóc lan Hồ điệp trong chậu cũng như cách để lan Hồ điệp có thể cho hoa đẹp, bền (từ 8 - 12 tuần). Bạn có thể tham khảo và áp dụng để sở hữu một chậu lan Hồ điệp rực rỡ và kéo dài thời gian thưởng ngoạn.


Lê Trinh