Xét nghiệm ADN có quy định về độ tuổi không?
Ngày đăng: 04/11/2024, 10:55
Xét nghiệm ADN không bị giới hạn về độ tuổi, cho phép thực hiện với mọi lứa tuổi từ trẻ sơ sinh, trẻ em đến người trưởng thành. Đặc biệt, hiện nay còn có thể xét nghiệm ADN cho thai nhi từ 7 tuần tuổi trở lên, mở ra nhiều cơ hội trong việc xác định nguồn gốc di truyền.
1. Độ tuổi phù hợp để thực hiện xét nghiệm ADN
Xét nghiệm ADN có thể được thực hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, tùy vào nhu cầu và phương pháp xét nghiệm cụ thể:
- Thai nhi từ 7 tuần tuổi trở lên: Có thể xét nghiệm ADN không xâm lấn bằng cách lấy mẫu máu của người mẹ.
- Thai nhi từ 15 tuần tuổi trở lên: Sử dụng phương pháp chọc ối để lấy mẫu nước ối từ người mẹ, phục vụ cho xét nghiệm ADN.
- Trẻ sơ sinh: Thường được thực hiện để làm giấy khai sinh hoặc kiểm tra huyết thống với cha hoặc mẹ.
- Trẻ em: Xét nghiệm ADN để xác nhận huyết thống, phục vụ bảo lãnh di dân hoặc nhập tịch nước ngoài.
- Người trưởng thành: Xét nghiệm ADN với nhiều mục đích như xác định quan hệ huyết thống cha con, mẹ con, làm giấy khai sinh, giải quyết ly hôn, bảo lãnh nhập tịch, tranh chấp thừa kế, yêu cầu của tòa án hoặc hỗ trợ điều tra.
- Người đã qua đời: Trong một số trường hợp đặc biệt, có thể làm xét nghiệm ADN nếu vẫn còn mẫu xương hoặc răng đủ tiêu chuẩn, và so sánh với người thân bên dòng mẹ thông qua thử ADN ty thể.
2. ADN ở các độ tuổi khác nhau có khác nhau không?
ADN của một người không thay đổi suốt cuộc đời, từ khi còn là bào thai cho đến khi qua đời. ADN của một người khi còn là thai nhi, lúc trưởng thành hay kể cả sau khi mất vẫn là ADN đó, không chịu ảnh hưởng bởi tuổi tác. Vì thế, dù thực hiện xét nghiệm ADN vào thời điểm nào thì kết quả vẫn không thay đổi, cho dù đó là ở bất kỳ độ tuổi nào.
3. ADN có thể bị thay đổi không?
Trong một số tình huống đặc biệt và hiếm gặp, ADN của một người có thể thay đổi do ảnh hưởng của các yếu tố dưới đây.
3.1. Ghép tủy xương
Một số trường hợp y học đã ghi nhận rằng người nhận ghép tủy xương có thể bị thay đổi ADN trong máu, nước bọt hoặc tinh trùng theo ADN của người hiến tủy. Tuy nhiên, không phải ai ghép tủy xương cũng gặp sự thay đổi này, và đây là hiện tượng hiếm gặp đang được nghiên cứu sâu hơn. Vì vậy, khi xét nghiệm ADN cho những người đã từng ghép tủy, cần phải phân tích toàn bộ gen thay vì chỉ làm xét nghiệm huyết thống.
3.2. Sử dụng tế bào gốc
Khi tế bào gốc được đưa vào cơ thể, có khả năng xảy ra biến đổi hoặc bất thường trong các tế bào này, từ đó có thể ảnh hưởng đến ADN gốc. Tuy nhiên, các biến đổi này xảy ra ở mức độ nào, có ảnh hưởng đến các đoạn gen quan trọng hay không còn tùy thuộc vào từng người. Những người đã sử dụng tế bào gốc cần thông báo cho đơn vị xét nghiệm ADN để được tư vấn chuyên sâu.
3.3. Nhiễm phóng xạ
Những người làm việc trong môi trường nhiễm phóng xạ hoặc sống ở khu vực có mức độ phóng xạ cao, như tại các nhà máy điện hạt nhân hoặc nơi từng xảy ra các vụ nổ hạt nhân, có thể gặp các bất thường trong ADN. Đối với những trường hợp này, xét nghiệm ADN cần lưu ý đến yếu tố phóng xạ, vì nó có thể làm thay đổi cấu trúc gen.
3.4. Đột biến tự nhiên và di truyền
Một số đột biến tự nhiên hoặc di truyền cũng có thể gây biến đổi ADN. Quá trình phân chia tế bào đôi khi có thể xuất hiện các đột biến, dẫn đến một số thay đổi nhỏ trong ADN. Đây là những biến đổi tự nhiên xảy ra khi các gen truyền từ cha mẹ sang con cái, tuy nhiên không làm ảnh hưởng lớn đến kết quả xét nghiệm huyết thống.
4. Lời kết
Xét nghiệm ADN có thể thực hiện ở mọi độ tuổi, và kết quả không thay đổi theo thời gian trừ một số trường hợp hiếm gặp liên quan đến ghép tủy, sử dụng tế bào gốc, nhiễm phóng xạ hoặc đột biến tự nhiên. Việc này giúp xét nghiệm ADN trở thành công cụ hữu ích trong xác nhận huyết thống, bảo lãnh di dân và nhiều mục đích khác.
Khắc Sử