Cách trồng và chăm sóc cây bonsai lộc vừng
Ngày đăng: 27/04/2019, 08:05
Trong nghệ thuật bonsai, lộc vừng là một trong những loài cây rất được ưa chuộng bởi không chỉ mang lại ý nghĩa phong thủy tốt đẹp, mà còn cho những chùm hoa rất bắt mắt. Tuy nhiên, việc trồng và chăm sóc cây bonsai lộc vừng không hề đơn giản. Những chia sẻ kinh nghiệm dưới đây có thể giúp ích cho bạn nếu đang tìm hiểu về vấn đề này.
1. Chuẩn bị đất trồng
Để cây lộc vừng sinh trưởng và phát triển tốt, mau cho hoa thì nên trộn đất màu với trấu và than xỉ lò gạch, kèm theo 1 ít phân chuồng đã hoai dùng làm chất trồng.
Sau khi trồng xong, nên tưới một ít nước để tạo độ ẩm, kích thích cây ra rễ mới. Sau một thời gian, khi thấy cây đã phát triển khỏe mạnh là có thể tưới nước và chăm sóc như bình thường.
2. Cách tạo rễ, buông rễ cho bonsai lộc vừng
Kỹ thuật tạo rễ cho bonsai lộc vừng không quá khó. Tùy thuộc vào người trồng muốn cây ra rễ tại vị trí nào trên thân mà bó mùn, giữ ẩm hoặc ngâm vị trí đó ngập nước, khoảng 2 – 3 tháng sau rễ sẽ mọc ra tại điểm đó. Áp dụng phương án nào thì cũng nên tùy vào kích thước của cây để sao cho thực hiện dễ dàng nhất. Nếu cây nhỏ, chọn cách ngâm nước thì khi thấy rễ đã ra, bạn cần nâng cây cao lên để rễ mọc dài ra và buông xuống.
3. Kỹ thuật chăm sóc bonsai lộc vừng
Tương tự như những cây bonsai khác, lộc vừng cần được để nơi thoáng mát và có chế độ tưới nước, giữ ẩm phù hợp. Người trồng nên thường xuyên quan sát, kiểm tra cây để kịp thời phát hiện và chữa trị các triệu chứng sâu, bệnh. Việc thay đất mới, chậu mới nên được tiến hành khoảng từ sau 2 – 3 năm hoặc tùy thuộc vào tốc độ phát triển, kích thước của cây và mong muốn của bạn.
4. Cách khắc phục cây bonsai lộc vừng bị héo
Tình trạng cây bị héo có thể xảy ra nếu việc chăm sóc không theo đúng kỹ thuật, bị úng ngập, thừa nước... nếu không khắc phục kịp thời thì cây rất dễ bị chết.
Lúc này, bạn nên hái bỏ hết toàn bộ lá, sau đó khoan lỗ sát đáy chậu, tạo lỗ thoát nước. Tầm 2 – 3 ngày sau, khi thấy đất trong chậu khô dần thì bắt đầu tưới nhẹ để giữ ẩm. Lưu ý là luôn phải để cây trong bóng râm.
Một cách khác là nhặt bỏ hết lá trên cây và khoan lỗ dưới đáy chậu, đào bỏ đất và rễ xong quanh thành chậu khoảng 10 phân, sau đó nhấc bầu cây ra khỏi chậu trồng, cắt bỏ rễ già, hư, thối. Tiếp đến, trộn trấu, đất mới và phân vào chậu rồi tưới nước giữ ẩm với lượng vừa đủ.
Trên đây là chia sẻ về một số kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây bonsai lộc vừng. Để được tham khảo thêm nhiều kinh nghiệm hơn về kỹ thuật uốn cây, tạo dáng bonsai... đừng quên truy cập website của chúng tôi thường xuyên.
ĐT